Câu chuyện Bố Vợ Sơn La – Hương vị từ gian bếp gia đình
Hành trình của thịt bò gác bếp Bố Vợ Sơn La không bắt đầu từ một nhà máy, cũng không phải từ thương hiệu lớn. Mọi thứ khởi đầu từ tình thương của một người cha – ông Nông Thanh Tâm – dành cho con gái mình những năm tháng xa quê đi học.

Ông Nông Thanh Tâm là con trai cả của cụ Nông Văn Quyết – một người lính bộ đội Cụ Hồ chỉ huy trong chiến dịch Điện Biên Phủ, từng có thời gian vinh dự làm cận vệ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quê gốc Lạng Sơn, sau chiến thắng lịch sử, cụ Quyết ở lại Sơn La cùng vợ lập nghiệp và nuôi dạy 6 người con. Lớn lên trong những câu chuyện hào hùng của cha về trận chiến Điện Biên, ông Tâm mang trong mình niềm tự hào về tinh thần quật cường của dân tộc và lý tưởng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ hàng phở vùng cao...
Vào những năm 80–90, ông Tâm mở hàng phở nhỏ tại Khu Hồ Cá, Sơn La. Vì yêu nghề, ông không ngại ngần lặn lội xuống Hà Nội, đi qua nhiều quán phở nổi tiếng để nếm, học hỏi, cảm nhận từng hương vị.
Trở về vùng cao, ông chắt lọc tinh hoa ấy để tạo nên bát phở đậm đà, thơm nồng vị xương bò. Những năm tháng thức khuya dậy sớm bên nồi nước dùng đã rèn cho ông sự am hiểu sâu sắc với thịt bò – từ cách chọn thớ thịt, ướp gia vị, đến cách nấu giữ lại trọn vẹn vị ngọt tự nhiên.

... đến món quà cho con gái xa nhà
Năm 2002, con gái lớn lên đường đi học đại học ở Hà Nội. Trong lòng người cha luôn canh cánh nỗi lo con học xa thiếu thốn, ông Tâm muốn tìm một món ăn có thể để được lâu, đủ chất, sạch sẽ và ngon miệng để gửi cho con.
Thấy người Thái, người Mông có món thịt gác bếp truyền thống, ông tìm hiểu, lắng nghe cách làm, nắm bí quyết, rồi điều chỉnh sao cho hợp khẩu vị và đảm bảo vệ sinh hơn.
Mỗi miếng thịt gửi đi không đơn thuần là món ăn, mà là sự quan tâm, chu đáo, cẩn trọng từ một người bố dành cho con mình. Khi bạn bè con gái nếm thử, ai cũng khen ngon, dần dà nhờ đặt thêm để làm quà Tết.

Giữ cái tâm trong từng mẻ thịt
Được nhiều người ủng hộ, ông Tâm bắt đầu làm nhiều hơn – nhưng không bao giờ làm ẩu. Bởi ông luôn tâm niệm làm cho người thân quen ăn thì phải cẩn trọng.
Món ăn mình làm ra sẽ đến tay ông bà, cha mẹ, con cái của người quen. Làm cho người thân ăn thì không được phép cẩu thả.
Mỗi mẻ thịt đều được ông chọn lọc nguyên liệu tỉ mỉ, từng miếng thịt được lựa kỹ, cắt theo thớ riêng. Gia vị tẩm ướp cũng được ông tìm đến tận nơi sản xuất – như mắc khén bản, thứ tiêu rừng chỉ có ở một số vùng có thổ nhưỡng đặc biệt của Tây Bắc, ớt cay sông Đà nổi tiếng nồng mà không gắt.
Tất cả đều phải đạt tiêu chí: tươi – sạch – đúng vị núi rừng – tuyệt đối an toàn vệ sinh.

Một hương vị không thể nhầm lẫn
Từ năm 2011, khi con gái lập gia đình, rồi đến 2019, vợ chồng Lương Minh Trung – Nông Hương Ly bắt đầu nhận đặt hàng từ bạn bè mỗi dịp Tết. Thịt bò gác bếp dần trở thành món đặc sản được săn đón.
Bên cạnh đó là các món:
- Thịt lợn gác bếp
- Xúc xích/lạp xưởng kiểu Tây Bắc
- Ba chỉ lợn hun khói
- Cá giảng/cá gác bếp
- Gia vị chẩm chéo chuẩn vị miền núi
Tất cả đều mang đậm phong vị Tây Bắc, với mắc khén – tiêu rừng và các gia vị bản địa quý hiếm là linh hồn của món ăn. Hương vị ấy vừa nồng nàn, vừa tinh tế, không lẫn với bất cứ nơi nào.
Nhiều người từng ăn thịt gác bếp ở nhiều nơi nhưng đều nhận ra: nhà ông Tâm có hương vị riêng biệt – đậm đà, thơm khói, vừa mềm vừa ngọt. Ngay cả người dân Sơn La cũng tìm đặt của ông mỗi dịp Tết, dù phong tục vùng cao là nhà nào cũng tự làm thịt gác bếp bên nồi bánh chưng.

Bố Vợ Sơn La – Từ căn bếp tới thương hiệu
Năm 2025, cái tên “Bố Vợ Sơn La” chính thức được con rể – Lương Minh Trung – đăng ký làm thương hiệu. Đây không chỉ là dấu mốc thương mại, mà là một cam kết gìn giữ những gì tốt đẹp nhất từ căn bếp của cha vợ.
Chúng tôi chọn cái tên ấy để nhắc nhở bản thân: phải làm bằng cái tâm của người cha, người bố, không vì lợi nhuận mà thay đổi hương vị đã gắn bó bao thế hệ.
Bố Vợ Sơn La cam kết:
- Không dùng chất bảo quản.
- Không giảm nguyên liệu, không pha loãng công thức.
- Nguyên liệu được tuyển chọn tươi sạch, rõ nguồn gốc.
- Mỗi miếng thịt đều được làm bằng tay, bằng lửa, và bằng tình.
Chúng tôi tin rằng: thịt gác bếp không chỉ là món ăn, mà còn là kỷ niệm, tình thân và niềm tự hào của một vùng đất – nơi núi rừng, lửa bếp và tình người quyện vào từng thớ thịt.